VIETRADE - Ngày 30/5/ 2013, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “ Thị trường Châu Mỹ Latinh,- Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam”
VIETRADE - tại Hội thảo, các diễn giả đã cung cấp những thông tin cập nhật, môi trường luật pháp, những cơ hội và lưu ý khi kinh doanh với thị trường Châu Mỹ Latinh , gợi mở cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiến vào thị trường Châu Mỹ Latinh - được đánh giá là thị trường mới đối với Việt Nam, giàu tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức.
Thị trường giàu tiềm năng
Mỹ Latinh có nguồn cung ứng dồi dào về dầu thô, quạng sắt, đồng tinh chế, đậu tương, các loại rau, hạt có dầu, cà phê, phương tiện vận tại...Đồng thời khu vực này cũng có nhu cầu lớn về máy móc, thiết bị và hàng tiêu dùng cho nhiều cấp độ thu nhập của cư dân.
Thực hiện phương hướng mở rộng thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam đã tìm đến thị trường Mỹ Latinh như cuộc khám phá, kết giao với đối tác mới, mở ra hướng phát triển đầy triển vọng cho hoạt động ngoại thương của Việt Nam nói riêng và hợp tác về các lĩnh vực kinh tế khác nói chung. Thực tế đã chứng minh bước đi đó là hợp với lộ trình hội nhập và phát triển đất nước qua những kết quả đáng ghi nhận.
Trong những năm qua quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với các nước ở khu vực Mỹ Latinh đã không ngừng gia tăng. Mỹ Latinh là thị trường có gần 600 triệu dân, tổng GDP đạt trên 5.500 tỷ USD, có nguồn tài nguyên phong phú, có tiềm năng về vốn khoa học và công nghệ, có nhu cầu hàng hóa đa dạng, phù hợp với cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam đã có quan hệ buôn bán với tất cả 33 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc Châu lục này. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh đã tăng hơn 17 lần, từ 245 triệu USD năm 2000 lên 5,5 tỷ USD năm 2012 trong đó xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Mỹ Latinh đạt 2,68 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của doanh nghiệp Việt Nam là những mặt hàng chủ lực, thương hiệu có uy tín. Tuy vậy, kết quả đó còn khiêm tốn so với tiềm năng, thế mạnh của hai bên.
Thuận lợi đan xen khó khăn
Dung lượng nhập khẩu hàng hoá lớn, dân số đông, nhu cầu hàng hoá cho sản xuát và tiêu dùng ở mức cao.
Thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng không quá cao, nhất là những nơi thường khan hiếm hàng hoá. Hàng Việt Nam được đánh giá là về giá cả, chất lượng tương đối phù hợp với nhiều cấp độ tiêu dùng trong cộng đồng cư dân.
Hàng rào kỹ thuật và kiểm dịch của đa số các quốc gia không quá cao, phù hợp với trình độ kỹ thuật hiện nay của Việt Nam.
Một số chính phủ có chủ trương muốn đa dạng hoá nguồn cung ứng hàng hoá và dịch vụ để tạo ra cạnh tranh lành mạnh, qua đó người dân bản địa sẽ được hưởng lợi.
Tuy vậy cũng có những khó khăn đang hiển hiện. Chặng đường xa từ Việt Nam đến khu vực này chí ít sẽ làm đội lên chi phí dồn vào giá thành hàng hoá, làm giảm khả năng cạnh tranh. Tình hình đó sẽ gay cấn hơn vì tại địa bàn này đã có những đối tác đến trước, nắm giữ thị phần, chắc chân ở những khu vực, không dễ chia sẻ lại cho doanh nghiệp Việt Nam.
Là địa bàn mới, nên cho đến nay chúng ta còn thiếu thông tin về cơ chế, chính sách của một số nước, kết nối thông tin liên lạc hiện vẫn còn trở ngại. Cơ chế thanh toán cũng vì thế mà chưa thật thuận lợi.
Doanh nghiệp bản địa dùng nhiều loại ngôn ngữ, kể cả thổ ngữ cùng nhiều phong tục tập quán. Điều này sẽ gây trở ngại cho việc giao dịch, đàm phán, nhất là khi xảy ra những tranh chấp thương mại.
Thời cơ đang đến
Trong bối cảnh các nước Mỹ Latinh thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, đồng thời mở rộng quan hệ thương mại với châu Á, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội mở rộng hoạt kinh tế - thương mại với khu vực thị trường này, đặc biệt là để hàng Việt Nam có thể qua nửa vòng trái đất đến với Khu vực địa chính trị sôi động, đang vươn mạnh trong bối cảnh toàn cầu hoá. Vì vậy, hơn lúc nào hết cần có những giải pháp căn cơ để thâm nhập và có vị thế bền vững tại thị trường này.
- Mỗi ngành hàng, mỗi doanh nghiệp nên xây dựng chiến lược cho những mặt hàng cụ thể, vừa củng cố và nâng cao thị phần của các mặt hàng hiện tại, vừa thăm dò để mở mặt hàng mới, với yêu cầu tối thượng là nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, khẳng định uy tín của thương hiệu của doanh nghiệp và của từng mặt hàng. Trong điều kiện hàng hoá của ta chưa dồi dào, quan hệ chưa thể mở rộng, cần xác định những thị trường trọng điểm trong khu vực, tránh tràn lan, manh mún. Đồng thời từng doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng cơ sở dữ liệu và thường xuyên cập nhật cung cấp các thông tin quảng bá về doanh nghiệp cùng các sản phẩm của đơn vị mình. Khi thực hịện từng thương vụ buôn bán, phải nghiêm túc thực hiện các điều khoản hợp đồng, nhất là về chất lượng, thời hạn giao hàng để bảo vệ uy tín của đơn vị, tín nhiệm đối với các thương hiệu hàng hoá Việt Nam, giữ gìn và phát triển quan hệ bền chặt.
- Các cơ quan quản lý cần tăng cường hợp tác với các cơ quan hữu quan của các quốc gia và vùng lãnh thổ nói trên, giải quyết những khúc mắc về cơ chế chính sách, nóng hổi là cơ chế thanh toán. Tổ chức cung cấp thông tin cho doanh nghiệp Việt Nam về từng thị trường trong Châu lục này. Đó là các thông tin cập nhật, thông tin dự báo về cơ chế, chính sách, tập quán thương mại; tình hình các đối thủ cạnh tranh; các rào cản thương mại, nguy cơ bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ; các kênh lưu thông, phân phối, thị hiếu người tiêu dùng, đầu mối nhập khẩu, nhu cầu dung lượng thị trường, giá cả, động thái thị trường. Ngược lại cần tập hợp, cung cấp thông tin về thị trường Việt Nam cho các doanh nghiệp Mỹ Latinh theo những nội dung tương tự mà doanh nghiệp của ta cần biết về thị trường của họ.
- Tăng cường tổ chức các sự kiện XTTM như Hội chợ triển lãm, hội thảo, tổ chức các đoàn doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các chuyên gia sang khảo sát thị trường tìm đối tác buôn bán, hợp tác đầu tư. Chú trọng mời các đoàn doanh nhân các nhà đầu tư của Mỹ Latinh vào Việt Nam, tham dự các hoạt động XTTM, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các DN Việt Nam. Trước mắt tổ chức thành công việc Việt Nam tham dự Hội chợ quốc tế La Habana lần thứ 31 (FIHAV 2013 ) tại thu đô La Habana, Cuba. Đây là một trong những sự kiện nằm trong Chương trình XTTM quốc gia năm 2013, do Cục Xúc tiến thương mại, thực hiện.
- Nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của các Cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam tại Châu Mỹ Latinh. Mỗi Cơ quan làm tai mắt cho các cơ quan quản lý, điều hành, các Hiệp hội, các doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin hai chiều, về cơ chế, chính sách, về cơ hội buôn bán, hợp tác, đầu tư; hỗ trỡ doanh nghiệp khi xảy ra tranh chấp thương mại. Trong điều kiện ta chưa mở Cơ quan đại diện thương mại ở tất cả 33 nước và vùng lãnh thổ, các Cơ quan hiện tại vừa bám chắc địa bàn mình phụ trách vừa lan toả hoạt động sang các địa bàn lân cận.
- Nơi nào có doanh nhân người Việt Nam định cư cần chủ động tiếp cận, động viên, phối hợp với cộng đồng này làm cầu nối giao lưu buôn bán, hợp tác với các doanh nhân của địa bàn sở tại ./.
VIETRADE ngày 03/6/2013