Một số nét chính về thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam 6 tháng đầu năm

05/10/2012 - 4057 lượt xem

Theo số liệu công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại cuộc họp báo chiều 19/6, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 7,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, theo nhận định của Bộ trưởng Cao Đức Phát, thị trường thế giới vẫn tiếp tục khó khăn, giá nông sản liên tục giảm sút từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xuất khẩu của toàn ngành. Đến hết tháng 5, trong số 7 mặt hàng xuất khẩu nông sản chính, chỉ còn duy nhất hạt tiêu là có giá cao hơn cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 5/2012, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt xấp xỉ 6,1 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 2%

Cũng theo Bộ NN&PTNT, đến giữa tháng 6 năm nay, đã có 5 mặt hàng nông sản đạt giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, gồm: thủy sản 2,592 tỷ USD; cà phê 2,061 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 2,008 tỷ USD; gạo 1,543 tỷ USD và cao su. Ngoài ra, một số nông sản khác cũng đã đạt giá trị xuất khẩu tới hàng trăm triệu USD như: sắn và sản phẩm từ sắn 756 triệu USD, hạt điều 608 triệu USD, hạt tiêu 438 triệu USD, rau quả 285 triệu USD.

Đối với thị trường Mỹ, xuất khẩu rau quả Việt Nam trong 5 tháng đầu năm vào thị trường này đạt tổng kim ngạch 1,1 triệu USD, trong số 36 mặt hàng xuất khẩu thì nấm rơm muối, nấm rơm đóng lon đạt kim ngạch cao nhất. Đứng thứ hai là mặt hàng ngô non đóng lon, ngô luộc. Ngoài rau, các loại khoai lang, hành củ, tỏi, gừng, nghệ... cũng được người Mỹ ưa dùng. Thay đổi rõ nét nhất từ thị trường này là tăng nhập khẩu các sản phẩm rau tươi và giảm dần các sản phẩm rau đóng hộp. Việt Nam được đánh giá là một trong số 15 quốc gia xuất khẩu nông sản nhiều nhất vào thị trường Mỹ với các sản phẩm như hạt điều, chè…

MỘT SỐ MẶT HÀNG CỤ THỂ

1/ Hạt điều: Đáng chú ý, sản phẩm hạt điều của Việt Nam có sự tăng trưởng đáng kể, tháng 5, xuất khẩu đạt 15 ngàn tấn với kim ngạch 104 triệu USD. Lượng điều xuất khẩu 5 tháng ước đạt 70 ngàn tấn, kim ngạch 484 triệu USD, tăng 30,9% về lượng và 21,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Việt Nam tiếp tục giữ vững là nước xuất khẩu hạt điều nhân đứng thứ 1 thế giới. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 4 tháng đạt 6.900 USD/tấn giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả các thị trường tiêu thụ lớn đều có sự tăng trưởng mạnh. Các thị trường tiêu thụ hạt điều lớn của Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ (chiếm tỷ trọng giá trị 26,3%), Trung Quốc (20%), Hà Lan (13%).

Số liệu tổng kết trong tháng 6/2012 của Bộ NN&PTNT cho thấy ngành điều đã xuất khẩu thêm 20 nghìn tấn nhân điều, đưa tổng lượng điều xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2012 đạt 97 nghìn tấn, kim ngạch đạt 666 triệu USD (tăng 41,2% về lượng và 26,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011). Việt Nam tiếp tục giữ vững là nước xuất khẩu điều nhân đứng thứ 1 thế giới, đồng thời các thị trường tiêu thụ lớn đều ổn định như Hoa Kỳ (chiếm tỷ trọng giá trị 37,7%), Trung Quốc (26,3%), Hà Lan (17,4%).

Tuy nhiên, giá xuất khẩu trung bình năm nay chỉ đạt 6.842 USD/tấn, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường xuất khẩu trầm lắng, giá bán liên tục giảm khiến nhiều doanh nghiệp phải giải thể, đóng cửa, số còn lại hầu hết sản xuất cầm chừng và không có ý định mở rộng sản xuất do không tiếp cận được vốn ngân hàng. Bên cạnh đó trong niên vụ điều 2011, Việt Nam nhập khẩu 430.000 tấn hạt điều (chủ yếu có nguồn gốc từ châu Phi). Cho đến nay, phần lớn trong số đó vẫn “yên nghỉ” trong kho, trong khi thời hạn cất trữ sắp đi qua. Với hạt điều nguyên liệu, sau khi quá hạn tồn kho, không những “mất mùa” về khối lượng mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng. Điều tồn kho khối lượng lớn, theo đó gây ra tác hại kép (đọng vốn, giảm chất lượng, giảm giá…). Tại thời điểm nhập khẩu, các doanh nghiệp mua điều với giá bình quân 35.000 đồng/kg. Hiện nay, sau thời gian dài ứ đọng trong kho, giá điều bán ra trên thị trường nội địa chỉ ở mức trên, dưới 10.000 đồng/kg. Mua 3 bán 1, chưa khi nào ngành điều bị lỗ nặng đến mức như thế. Giảm giá ở mức khủng nhưng tiêu thụ đâu phải dễ, giải quyết đầu ra vẫn đang là gánh nặng của ngành điều. Hàng trăm ngàn tấn điều đang bị tồn kho, mất giá hơn 70% so với giá nhập khẩu, khoản tiền bị thua lỗ không nhỏ chút nào.

2/ Tiêu: Đối với hồ tiêu, tháng 5 xuất khẩu 15 ngàn tấn, kim ngạch đạt 102 triệu USD. Ước lượng tiêu xuất khẩu 5 tháng đạt 62 ngàn tấn, kim ngạch 424 triệu USD, so cùng kỳ năm trước lượng tăng 14,5% và giá trị tăng tới 47,2%. Giá tiêu XK bình quân 4 tháng đạt 6.795 USD/tấn, tăng 1.682 USD/tấn so với năm trước. Mặc dù khối lượng xuất khẩu của hai thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ và Đức giảm sút so với cùng kỳ năm trước nhưng giá trị xuất khẩu của tất cả các thị trường trọng điểm đều tăng.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết quý I năm 2012, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt kết quả khả quan với lượng xuất khẩu đạt 31.063 tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 211,6 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2011, lượng xuất khẩu tăng 23,6% (tương đương 5.935 tấn), kim ngạch xuất khẩu tăng 71,8% (tương đương 88,5 triệu USD). Trong đó xuất khẩu tiêu đen đạt 26.290 tấn (giá trị đạt 167,2 triệu USD), tiêu trắng đạt 4.773 tấn (giá trị đạt 44,4 triệu USD). Xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Đức trong tháng 2 đã tăng khá mạnh so với tháng 1/2012 cả về khối lượng và giá trị  với mức tăng lần lượt là 137,7% và 122,7%, đưa kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm lên tới 10,6 triệu USD tăng 55% so với cùng kỳ năm 2011 và chiếm 12,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tuy xuất khẩu hồ tiêu sang 1 số thị trường có sự giảm sút về số lượng nhưng nhờ giá hồ tiêu xuất khẩu vẫn ở mức cao nên giá trị tăng so với cùng kỳ năm trước như thị trường Thổ Nhĩ Kỳ giảm 26,3% về lượng, giá trị tăng 57,5%; Nhật giảm 9,1% về lượng nhưng tăng 50,6% về giá trị .

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2012, diện tích hồ tiêu của cả nước tăng hơn 2000 ha so với năm ngoái, đạt gần 54,3 nghìn ha, trong đó diện tích hồ tiêu cho thu hoạch là 46,1 nghìn ha. Tuy nhiên theo kết quả khảo sát tình hình sản xuất, thu hoạch hồ tiêu năm 2012 của VPA tại một số tỉnh trồng hồ tiêu trọng điểm, sản lượng hồ tiêu cả nước ước đạt 95-100 nghìn tấn, giảm 10 - 15% so với vụ năm 2011. Sản lượng giảm mạnh tại Đồng Nai và Bà Rịa Vũng tàu với mức giảm tương ứng là 30% và 7,5% do sự xuống cấp của vùng tiêu tại một số vùng. Một số vùng tiêu tại huyện Chư-prông, Chư pưh (Gia Lai); Cư MGar (Đăk Lăk) bị chết hàng loạt do tác động của bệnh hại, thời tiết bất lợi, cũng như chăm sóc cây tiêu chưa đúng quy trình hướng dẫn.

Sản lượng hồ tiêu của Ấn Độ, quốc gia sản xuất hồ tiêu thư 2 thế giới sau Việt Nam, cũng được dự báo chỉ đạt 43 nghìn tấn trong năm 2012, giảm 5000 tấn so với năm 2011.

Những lo ngại nguồn cung hồ tiêu thế giới thiếu hụt, đặc biệt sau những nhận định về giảm sản lượng ở Việt Nam và Ấn Độ đã khiến hồ tiêu tăng giá mạnh sau khi điều chỉnh giảm vào cuối tháng 1/2012. Theo Hiệp hội Hạt tiêu quốc tế (IPC) trong năm 2012, thế giới sẽ thiếu khoảng 51000 tấn tiêu, trong khi sản lượng tiêu còn thừa ước tăng 7,3%, tương đương 21.755 tấn, tức là từ 298.400 tấn của năm 2011 lên 320.155 tấn. IPC còn dự đoán tiêu thụ toàn cầu sẽ tăng 7550 tấn lên 371.000 tấn, so với chỉ 363.450 tấn của năm ngoái. 
Kết thúc quý I/2012, Bộ NN&PTNT cũng tăng mức dự báo khối lượng xuất khẩu hồ tiêu của 2012 lên mức gần 101,4 nghìn tấn với trị giá khoảng 742,3 triệu USD, tăng 6,1% về lượng và 3,7% về giá trị so với mức dự báo trước đó.

3/ Cà phê: Mặt hàng cà phê tăng cả về lượng và giá trị. Xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt 860.000 tấn, tăng 7,8% về lượng và 3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Riêng trong tháng 5, xuất khẩu cà phê đạt 160 ngàn tấn, với kim ngạch đạt 334 triệu USD. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 5 tháng là 2.087 USD/tấn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 63 USD/tấn. Hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam là Đức ( chiếm tỷ trọng giá trị 13,9%) và Hoa Kỳ (12,8%) tăng trưởng khá cả về lượng và giá trị. Đáng chú ý nhất là thị trường Indonesia tăng trưởng đột biến, gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2011.Một số thị trường lớn khác thì có sự thụt lùi đáng kể, chẳng hạn như Bỉ (là thị trường lớn nhất của Việt Nam năm 2011) chỉ bằng xấp xỉ 1/3 lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước.

4/ Sắn và các sản phẩm từ sắn: Tiếp tục đà xuất khẩu tăng trưởng từ tháng 2 sang đến tháng 3/2012 xuất khẩu sắn và sản phẩm tăng. Tháng 3/2012, cả nước đã xuất khẩu 630,8 nghìn tấn sắn và sản phẩm, đạt kim ngạch 177,8 triệu USD, tăng 60,46% về lượng và tăng 45,88% so với tháng trước đó, nâng lượng sắn xuất khẩu 3 tháng đầu năm lên 1,2 triệu tấn, trị giá 372,9 triệu USD, tăng 9,26% về lượng nhưng giảm 3,01% về trị giá so với cùng kỳ năm 2011.

Trong đó, riêng sắn chiếm 68% tỷ trọng, với 857,2 nghìn tấn trong 3 tháng đầu năm với trị giá 208,3 triệu USD, giảm 2,2% về lượng và giảm 12,3% về trị giá so với 3 tháng đầu năm 2011. Tính riêng tháng 3/2012, cả nước đã xuất khẩu 435,4 nghìn tấn sắn, trị giá 100,6 triệu USD, tăng 78,1% về lượng và 64,4% về trị giá so với tháng liền kề trước đó.

Quí I/2012 Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippin, Đài Loan, Malaixia, Nhật Bản và Nga. Trong đó Trung Quốc là thị trường có kim ngạch xuất khẩu đạt cao nhất, đạt 319,4 triệu USD với 1,1 triệu tấn sắn và sản phẩm chiếm 88,3% tỷ trọng, tăng 1,6% về lượng nhưng giảm 11,15% về trị giá so với cùng kỳ năm 2011. Tính riêng tháng 3, Việt Nam đã xuất khẩu 557,9 nghìn tấn sắn sang Trung Quốc, trị giá 153,6 triệu USD, tăng cả về lượng và trị giá so với tháng liền kề trước đó, tăng lần lượt 68,35% và 53,84%.

Thị trường đứng thứ hai sau Trung Quốc là Hàn Quốc với lượng xuất trong 3 tháng đầu năm nay là 58,4 nghìn tấn, trị giá 15,5 triệu USD, tăng 294,82% về lượng và tăng 238,88% về trị giá so với 3 tháng năm 2011.

Đáng chú ý, tuy xuất khẩu sắn và sản phẩm sang thị trường Malaixia trong 3 tháng đầu năm chỉ đạt trên 8 nghìn tấn, trị giá 3,3 triệu USD, nhưng lại có sự tăng trưởng vượt bậc, tăng 801,91% về lượng và tăng 560,54% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Bảng 2 - Thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn quí I/2012

Thị trường

KNXK 3T/2012

KNXK 3T/2011

% so sánh

Lượng

trị giá

Lượng

trị giá

Lượng

trị giá

Tổng KN

1.259.947

372.956.452

1.153.147

384.537.349

9,26

-3,01

Trung Quốc

1.113.357

319.438.509

1.095.855

359.538.677

1,60

-11,15

Hàn Quốc

58.441

15.504.900

14.802

4.575.372

294,82

238,88

Philippin

16.996

7.332.262

9.246

3.063.787

83,82

139,32

ĐàiL oan

16.837

6.827.902

15.604

8.157.826

7,90

-16,30

Malaixia

8.027

3.321.617

890

502.863

801,91

560,54

Nhật Bản

1.506

623.818

1.888

827.015

-20,23

-24,57

Nga

268

129.270

424

248.740

-36,79

-48,03

ĐVT: Lượng (tấn); Trị giá (USD)                                                    (Nguồn: TCHQ)

5/ Dứa: Năm 2012 được coi là năm tồi tệ nhất trong vòng 10 năm trở lại đây của thị trường nước dứa cô đặc. Giá nước dứa cô đặc giao trong tháng 4, đầu tháng 5/2012 đang nằm ở mức 1.100 - 1.200 USD/tấn và sẽ giảm còn 1.000 USD vào tháng 6. Sự suy thoái trầm trọng của nền kinh tế châu Âu đã kéo theo sự sụt giảm mạnh về nhu cầu mua bán nước dứa cô đặc ở thị trường được coi là lớn nhất này. Trong khi đó, các quốc gia sản xuất dứa lớn đều tung ra thị trường nguồn hàng dồi dào với giá cả cạnh tranh do năm nay dứa rất được mùa. Theo tính toán, với mức giá trên thì doanh nghiệp Việt Nam phải thu mua dứa nguyên liệu với giá từ 1.000- 1.200 đồng/kg mới có thể hòa vốn chứ chưa nói đến là có lãi. Hiện Nhà máy dứa Đồng Dao (Ninh Bình) vẫn còn tồn kho khoảng 400 tấn dứa cô đặc từ tháng 6/2011, các nhà máy sản xuất đồ hộp ở miền Bắc còn khó khăn hơn do chất lượng kém, giá cả thiếu cạnh tranh. Bởi vậy, nếu trước đây người trồng dứa có thể bán dứa cho các nhà máy nhỏ ở miền Bắc với mức giá khả quan, số lượng lớn, thì năm nay dứa bắt đầu vào vụ chín rộ nhưng khách hàng rất ít. Tham khảo giá thu mua dứa nguyên liệu tại Nghệ An cho thấy gần cuối tháng 6 mà chưa thấy các nhà máy thu mua, người trồng dứa đành phải nhập cho tư thương để đem ra chợ bán với giá trên 3.000 đ/kg

 

Tin tức khác