28/03/2017 - 4614 lượt xem
Trong năm 2017, sản xuất điều thô của Bờ Biển Ngà được dự báo đạt mức cao kỷ lục 750.000 tấn nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, nhưng các nhà xuất khẩu ước tính rằng có khoảng 100.000 tấn hạt điều, bao gồm loại hạt điều tốt nhất, có thể bị buôn lậu sang các nước khác. Về cơ bản, hạt điều được buôn lậu sang Ghana và một lượng nhỏ hơn sang Burkina Faso và Mali. Hoạt động buôn lậu diễn ra hàng năm nhưng do lợi nhuận ngày càng tăng nên hoạt động buôn lậu diễn ra ngày càng mạnh.
Ghana không áp thuế xuất khẩu điều, trong khi Bờ Biển Ngà áp thuế xuất khẩu 0,14 USD/kg. Chi phí vận chuyenr tại Bờ Biển Ngà cũng cao gấp đôi so với Ghana, theo một nhà xuất khẩu tại Bờ Biển Ngà cho hay. “Chính phủ cần hành động nhanh chóng để ngăn chặn nguồn điều thô chất lượng cao bị buôn lậu sang các nước láng giềng. Hoạt động này sẽ đẩy toàn bộ ngành vào rủi ro”.
Nhà xuất khẩu trên ước tính có gần 40.000 tấn điều thô đã được vận chuyển qua biên giới và dự báo sẽ có khoảng 100.000 tấn điều sẽ bị buôn lậu trong năm 2017. Một ước tính khác cho rằng 120.000 tấn điều thô đã được buôn lậu hàng năm nhưng thời điểm này vẫn còn quá sớm để dự báo lượng điều bị buôn lậu.
Giá điều tăng tại Bờ Biển Ngà và nhu cầu thế giới đối với hạt điều liên tục tăng trong những năm gần đây. Chính phủ Bờ Biển Ngà đã đặt ra mức giá cổng trại tối thiểu ở mức 440 CFA francs/kg cho năm thương mại 2017, bắt đầu từ giữa tháng 2 vừa qua, tăng từ mức 350 CFA francs/kg trong năm thương mại 2016. Tuy nhiên, nông dân trồng điều Bờ Biển Ngà cho biết họ đang bán với giá 650 – 800 CFA francs/kg và tại miền Đông nước này, lượng ddieuf này được bán cho những người mua tại Ghana với giá từ 900 – 1.000 CFA francs/kg. Bờ Biển Ngà đã vượt Ấn Độ vào năm 2015, trở thành nước sản xuất hạt điều lớn nhất thế giới. Nước này cũng là nước sản xuất cacao hàng đầu thế giới. Xuất khẩu hạt điều từ Bờ Biển Ngà tăng cao do nhu cầu nhập khẩu tăng tại Ấn Độ và Việt Nam.
Theo Reuters